Khi Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân tại Việt Nam được xây dựng và đi vào vận hành, bên cạnh mục đích phục vụ nghiên cứu, trung tâm sẽ sản xuất đồng vị phóng xạ, đáp ứng 100% nhu cầu trong nước.
TS Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) - đã chia sẻ thông tin với các cơ quan báo chí sáng 7/7.
Theo ông Thành, dự án xây dựng Trung tâm KH&CNhạt nhân tại Việt Nam sẽ được Bộ KH&CNViệt Nam và Tập đoàn nhà nước về năng lượng nguyên tử Liên bang Nga - Rosatom - phối hợp triển khai. Đây là nội dung bản ghi nhớ giữa Bộ KH&CN và Rosatom về kế hoạch hợp tác triển khai dự án xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam, vừa được ký kết nhân chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và đoàn đại biểu của Việt Nam từ ngày 28/6 đến 1/7/2017.
Ông Thành cho biết, hiện có 2 địa phương đồng ý đặt trung tâm này trên địa bàn, đó là Lâm Đồng (có thể đặt tại Đa Nhim, cách Đà Lạt 40km) và Đồng Nai (huyện Long Thành).
"Khi đi vào vận hành, đương nhiên bên cạnh mục tiêu phục vụ công tác nghiên cứu, trung tâm sẽ sản xuất đồng vị phóng xạ. Nếu có lò phản ứng mới, chúng ta sẽ chủ động sản xuất đồng vị phóng xạ mới, đáp ứng 100% nhu cầu trong nước" - ông Thành nói.
Hiện công suất của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt không thể đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Lò này cũng chỉ có thể duy trì hoạt động như hiện tại đến khoảng năm 2028 - thời điểm sử dụng hết số nhiên liệu hạt nhân hiện có. Đến thời điểm đó, lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt sẽ đạt gần 70 năm tuổi thọ, trở thành một trong các lò phản ứng có tuổi thọ cao nhất thế giới.
Do đó, xây dựng một trung tâm KH&CN hạt nhân với lò phản ứng nghiên cứu mới cho ngành năng lượng nguyên tử là việc rất cần thiết đối với một quốc gia với gần 100 triệu dân (vào thời điểm năm 2025) như Việt Nam.
Nguồn: http://khoahocphattrien.vn